Công ty Cơ điện Thủ Đức: Bước đường tạo dựng một sản phẩm chủ lực

31/03/2005
quantrihazo

Chỉ cái tên thay đổi trong 30 năm qua cũng đã phản ánh về quá trình xây dựng, phát triển của một doanh nghiệp; là hình ảnh thu nhỏ về ngành cơ khí – điện của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam: Tháng 8-1976: Nhà máy Điện diesel; tháng 12-1984: Nhà máy Sửa chữa Cơ điện; tháng 10-1996: Nhà máy Cơ điện Thủ Đức; từ tháng 6-1999: Công ty Cơ điện Thủ Đức.

Một thời chưa xa Gắn với quá trình hình thành và phát triển của Công ty Cơ điện Thủ Đức (EMC) là ký ức của một thời… “đói điện” 1975-1988. Khi ấy, để duy trì nguồn điện diesel chiếm 30% sản lượng điện phía Nam, nhà máy đã thực hiện cùng một lúc 2 công việc: di dời, lắp đặt 42 công trình trạm diesel từ Ninh Thuận đến Cà Mau; sửa chữa, bảo trì trên 350 máy diesel của Mỹ, Nhật, Pháp vốn đã rất già cỗi, không có phụ tùng thay thế. Song, cũng chính giai đoạn gian khó này, đã xuất hiện điển hình tiên tiến: 2 tổ sửa chữa lưu động của nhà máy đã được công nhận là tổ lao động XHCN.

Nhớ lại thời khởi đầu nan, ông Huỳnh Văn Trí, người 12 năm liền là chiến sĩ thi đua, được 2 bằng khen của Chính phủ, (Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phan Văn Khải), kể mộc mạc: “Trước giải phóng, đồ nghề, phụ tùng đầy đủ. Hỏng là thay mới, có ai cần mình sáng kiến. Sau đó thì… liều lắm, phụ tùng gom nhặt như “ve chai”; “bạ” cái gì cũng làm, khôi phục, thay thế, bắt máy phải hồi sinh. Nhưng kết quả thì thật vui. Cũng cái cỗ máy ấy khi được phục hồi, sao thấy nó đẹp thế. Rồi cũng là cái ánh sáng từ máy phát điện, nhưng sao cái ánh điện khi ấy nó sáng thế, vui thế”. Có thể nói, chính những tập thể, cá nhân điển hình ấy đã khởi đầu một phong trào lao động sáng tạo, làm thay đổi hướng đi của doanh nghiệp.

Năm 1998, nhà máy đã mạnh dạn cải tiến thiết bị, nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công máy biến thế đầu tiên. Thủ tướng Phan Văn Khải về thăm đã “Biểu dương cán bộ công nhân viên nhà máy cơ điện đã lao động sáng tạo và dũng cảm vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành sản xuất ra sản phẩm mới “máy biến thế” đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế”. Như được tiếp sức, tháng 9-1998, nhà máy sản xuất và đưa vào vận hành máy biến áp 20 MVA-66KV cho trạm Chánh Hưng – TPHCM; tháng 12-1998 chế tạo thành công máy biến áp lực loại lớn: cấp điện 110 KV công suất 25 MVA.

Bốn chương trình đột phá

Nhưng quá khứ chỉ là tiền đề. Để sống và phát triển trong cơ chế thị trường, phải tự lo vật tư – bán sản phẩm – đấu thầu – cạnh tranh để thắng thầu cung cấp máy biến áp và các mặt hàng cơ khí… thì đòi hỏi phải có tư duy và hành động mới. Với lộ trình này, EMC đã đề ra 4 chương trình lớn: nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy nhanh tiến độ giao hàng; đổi mới kinh doanh và chế độ hậu mãi; đổi mới tổ chức, lao động và kỷ luật lao động; tiết kiệm toàn diện hạ giá thành sản phẩm.

Đồng hành cùng 4 chương trình là việc tự nghiên cứu và chế tạo hàng loạt máy tự động và bán tự động để thay thế các máy chuyên dùng cũ trong dây chuyền sản xuất, như: máy cuốn dây, máy bọc giấy, máy dập cánh tản nhiệt tự động, máy cắt tôn silic tự động, các lò sấy có dung lượng lớn để có thể sấy máy biến áp lực tới 63 MVA, máy CNC làm trụ điện 500 KV… “Lợi nhuận từ sản phẩm cơ khí vốn không cao. Nếu đầu tư tiền bạc để mua thiết bị nhập thì không bao giờ công ty có nổi những máy móc như thế” – ông Hoàng Thái Sơn, Giám đốc Công ty Cơ điện Thủ Đức, nói.

Bốn chương trình đột phá đúng hướng, đã tạo hệ quả đáng phấn khởi. Ông Nguyễn Kim Thanh, Chủ tịch Công đoàn công ty, minh họa: Đó là, lực lượng kỹ thuật, thiết bị tự động, công nghệ sản xuất và đội ngũ CB-CNV đã qua thử thách, đoàn kết, gắn bó với công ty. Riêng về đội ngũ lao động có thể tóm tắt thế này: Từ 48 người của năm 1976, nay là 645 người (có 89 kỹ sư, cử nhân, 2 thạc sĩ), bậc thợ trung bình 5/7; thu nhập từ 750.000 đồng/người/tháng (năm 1999), tăng lên trên 2.050.000 đồng/người/tháng (năm 2004).

Vững tin ở tương lai

Qua 5 năm sản xuất (1999-2004), năng lực của EMC đã tiến bộ rõ rệt: sản xuất được 41 máy biến áp lực có công suất từ 25 MVA đến 63 MVA – 110 KV; bình quân mỗi năm bán từ 4.500 đến 5.000 máy biến áp phân phối; mỗi năm, mức tăng bình quân từ 15%-20%. Tất cả các máy biến áp đưa vào vận hành đến nay chưa bị sự cố. Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM, một khách hàng quen thuộc của EMC, nhận xét: “Về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, công ty đã có nhiều cải tiến, đáp ứng nhu cầu về thông số kỹ thuật. Công tác nghiên cứu thiết kế đã có nhiều cải tiến, sáng tạo để giảm tổn hao các máy biến áp, góp phần cùng các điện lực giảm tổn thất điện thương phẩm chung của Tổng Công ty Điện lực đề ra”. Cùng với việc Tổng cục Đo lường Chất lượng VN cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn quốc gia; tháng 7-2004, TPHCM đã công bố quyết định sản phẩm máy biến áp lực của Công ty Cơ điện Thủ Đức là một sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP.

Sắp tới, Công ty Cơ điện Thủ Đức sẽ chuyển đổi mô hình tổ chức, tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp. Song, công ty có đủ dấu ấn tự tin để tiếp bước, đó là những lần thăm và chỉ đạo của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Phan Văn Khải; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết..; một bề dày thành tích với 3 Huân chương Lao động hạng nhì, 7 Huân chương Lao động hạng ba, 14 bằng khen Chính phủ; một sản phẩm chủ lực đang có mặt khắp đất nước… Quá khứ và hiện tại, tất cả như khích lệ, đánh dấu và phát tín hiệu cho Công ty Cơ điện Thủ Đức bay cao, bay xa.

Nguồn: nld.com.vn

Chia sẻ: