EMC chuyển mạnh sang sản xuất máy biến thế kỹ thuật cao
Thực hiện chủ trương phát triển mạnh cơ khí điện lực phù hợp với ngành Điện nước ta của Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Công ty Cơ điện Thủ Đức (EMC) đang thực hiện dự án đầu tư thêm 19 tỷ đồng để đổi sang sản xuất máy biến thế kỹ thuật cao.
Do nguồn vốn hạn hẹp, Công ty chỉ chọn nhập của nước ngoài những máy, thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất mà hiện nay nước ta chưa chế tạo được. Các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm và công nhân lành nghề của Công ty đã phát huy nội lực, tự thiết kế chế tạo được nhiều máy, thiết bị chuyên dùng bổ sung đồng bộ, hoàn chỉnh cho các dây chuyền sản xuất máy biến thế điện. Trong số đó, đáng kể nhất là các máy quấn dây và lò sấy máy biến thế, hệ thống lò ủ tôn silic, lò sấy chân không, máy dập cánh tản nhiệt đàn hồi, máy cắt tôn silic, máy làm vỏ thùng cánh xếp tự động để nâng cao chất lượng vỏ máy biến thế điện 3 pha… theo công nghệ hiện đại của các nước công nghiệp tiên tiến. Điều nổi bật của các máy, thiết bị này là điều khiển tự động bằng computer, đạt năng suất cao, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tiêu hao vật tư, năng lượng đúng tiêu chuẩn quy định, nhưng giá thành chỉ bằng từ 10 đến 30% so với mua máy cùng loại của nước ngoài. Khi bị hỏng hóc, Công ty có thể tự chế tạo phụ tùng để thay thế, sửa chữa ngay.
Nhờ không ngừng đổi mới thiết bị, công nghệ, EMC đã thay đổi được toàn bộ mẫu mã và tính năng kỹ thuật các máy biến thế phân phối điện và nhanh chóng vươn lên thiết kế, chế tạo được nhiều máy biến thế trung gian và máy biến thế điện cao thế 110 kV với dung lượng lớn, thay máy nhập của nước ngoài. 3 năm qua, Công ty đã cung ứng cho cả nước 12.663 máy biến thế điện các loại, tăng trên 32% so với cùng thời gian trước đó. Công ty đã thắng thầu quốc tế, cung ứng trên 3.500 máy biến thế điện các loại cho các dự án cải tạo lưới điện thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), cải tạo lưới điện các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định (giai đoạn 2) và cải tạo lưới điện 3 thành phố Cần Thơ, Vũng Tàu, Đà Lạt. Công ty cũng đã thiết kế, chế tạo hàng nghìn máy biến thế điện đạt chất lượng cao cho Điện lực thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và 8 tỉnh ven biển miền Trung.
Đặc biệt, lần đầu tiên, EMC đã thiết kế, chế tạo thành công và lắp đặt an toàn 20 máy biến thế điện có dung lượng 25 MVA, 40MVA với điện thế 110 kV cho các trạm biến áp chống quá tải và xây dựng mới ở Nam bộ và miền Trung của hệ thống điện quốc gia. Công ty đang chế tạo máy biến thế điện 110 kV với dung lượng 63 MVA do mình tự thiết kế. Việc Công ty tự thiết kế, chế tạo thành công nhiều máy biến thế điện có dung lượng lớn, điện thế 110 kV là một đóng góp lớn cho ngành Điện Việt Nam về kinh tế, kỹ thuật và an ninh quốc phòng. Trước đây, ngành Điện phải mua máy biến thế điện dung lượng 25 MVA, điện thế 110 kV với giá trên nửa triệu USD/máy, nay không phải nhập khẩu, mà tự sản xuất trong nước với giá chỉ bằng từ 50-80%, thời gian lại nhanh hơn từ 2 đến 3 tháng, kịp thời đưa nhanh các công trình điện vào phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá và cải thiện đời sống của nhân dân.
EMC đã liên kết với công ty nước ngoài chế tạo được các thiết bị tự động phân phối điện trên lưới điện quốc gia; Tiến tới đa dạng hoá sản phẩm như sản xuất các loại cáp điện, trụ điện siêu cao thế 500 kV, máy biến thế hợp bộ, các sản phẩm cơ khí cho các công trình đường dây lưới điện, bộ xông gió quay, bộ giải nhiệt, phụ tùng thay thế cho các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện chạy khí và than. Công ty cũng đã nghiên cứu sản xuất được một số loại hàng cơ khí chuyên dùng xuất khẩu sang Nhật Bản, các nước Trung Đông và ASEAN. Tất cả các loại máy biến thế điện và sản phẩm cơ khí của Công ty mang nhãn hiệu độc quyền EMC đều được quản lý theo hệ thống ISO 9001: 2000, đạt TCVN, tiêu chuẩn JIS của Nhật Bản và IEC của châu Âu.
Sau một vài năm tạm thời giảm sút, từ năm đầu thế kỷ mới trở đi, EMC đã lấy lại phong độ của mình với mức tăng trưởng bình quân đạt gần 30%/năm. Năm 2002, Công ty đã đạt 158 tỷ đồng tổng giá trị sản xuất công nghiệp, với tổng doanh thu 148 tỷ đồng, tăng hơn năm trước 32%, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, xoá được mọi khoản nợ “treo” trước đây, lãi gần 2 tỷ đồng, thu nhập của cán bộ, công nhân đạt bình quân 1,9 triệu đồng/tháng, tăng 400.000 đồng/tháng so với năm 2001. Như vậy, việc chuyển mạnh sang sản xuất máy biến thế kỹ thuật cao đã giúp cho Công ty có thế mạnh mới để phát triển./.
Nguồn: tapchicongthuong.vn