Công ty CP Cơ điện Thủ Đức: Không có thành công nếu không “startup”
Thương hiệu Cơ điện Thủ Đức đã hội nhập rất sâu vào thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Đây vừa là niềm tự hào song cũng là áp lực không nhỏ đối với doanh nghiệp. Dưới đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Minh Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty với phóng viên Tạp chí Công Thương.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết cảm xúc của mình khi đồng hành cùng thương hiệu EMC vượt qua những khó khăn trong giai đoạn vừa qua?
Ông Quang: Điều trước tiên cần phải nói, thương hiệu EMC của Công ty được hình thành, xây dựng nên là từ công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo và CBCNV qua nhiều giai đoạn, từ khi còn là Công ty nhà nước. Với trách nhiệm của người tiếp sau, chúng tôi phải giữ gìn và phát triển tên tuổi EMC để luôn giữ vị trí nhất định trong lĩnh vực kinh doanh- chế tạo thiết bị Điện, phát huy thế mạnh nghề truyền thống của đơn vị; mặt khác, cũng để duy trì cuộc sống cho nhiều lao động, gia đình CNV đã nhiều năm gắn bó, làm việc với Công ty.
Tiếp theo, đó là cảm xúc rất tự hào vì thương hiệu EMC được khách hàng đánh giá khá cao, nhưng đi cùng với nó là sự lo lắng, làm sao giữ gìn được danh tiếng của thương hiệu, vì đánh mất lòng tin là mất tất cả. Đây cũng chính là tâm trạng của những người lãnh đạo, của đội ngũ CBCNV Công ty trong nhiều năm qua.
PV: Chắc hẳn là rất nhiều áp lực phải không ông, vì thương hiệu Cơ điện Thủ Đức đã hội nhập rất sâu vào thói quen tiêu dùng của người Việt Nam bấy lâu nay?
Ông Quang: Đúng vậy. Điều cốt lõi để giữ được uy tín – thương hiệu của Công ty trong tâm trí của nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là khách hàng ngành Điện, tự thân chúng tôi phải không ngừng nâng cao trình độ quản lý, chất lượng sản phẩm xuất xưởng phải ổn định về mặt kỹ thuật; phải luôn biết giữ chữ “tín” với khách hàng. Sản phẩm do EMC sản xuất ra có quan hệ trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của mọi người dân, mọi gia đình, do vậy, nếu MBA bị sự cố thì người dân sẽ phản ứng như thế nào với ngành Điện, với những đơn vị bán mặt hàng MBA như EMC?
Do hầu hết các sản phẩm Công ty xuất xưởng để bán cho khách hàng đều phải có thời gian bảo hành 5 năm, vì vậy, EMC luôn phải nghiên cứu đầu tư về khoa học công nghệ, đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật thiết kế, đội ngũ công nhân có tay nghề để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất xưởng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao; song song đó, lại phải luôn tìm tòi, phát triển nhiều mẫu mã, nhiều chủng loại sản phẩm, đáp ứng yêu cầu sử dụng của nhiều đối tượng khách hàng công nghiệp, với giá cả cạnh tranh.
Áp lực tiếp theo là việc tìm thị trường đầu ra. Hiện nay, đối với loại sản phẩm do Công ty EMC đang sản xuất, ở Việt Nam cũng có nhiều công ty trong nước, ngoài nước sản xuất được, giá thành của họ rất cạnh tranh, mẫu mã phong phú. Do đó, nếu tự thân Công ty không chịu khó tìm tòi bằng nhiều cách để phát triển thị phần, phát triển thương hiệu, thì khó lòng tồn tại trên thị trường kinh doanh, sản xuất thiết bị điện Việt Nam.
PV: Xin ông cho biết về tình hình tái cơ cấu của Cơ điện Thủ Đức? Đối với Cơ điện Thủ Đức, đâu là thuận lợi và khó khăn hơn cả so với các doanh nghiệp khác?
Sau khi cổ phần hóa vào đầu năm 2008 đến nay, EMC đã phải trải qua 3 giai đoạn tái cơ cấu, đổi mới mô hình quản trị và phương thức làm việc: Một là khi Nhà nước còn giữ cổ phần chi phối; Hai là khi Nhà nước không giữ cổ phần chi phối. Ba là từ tháng 3/2018 đến nay, Nhà nước thoái hết vốn hoàn toàn.
Trong mỗi giai đoạn cổ phần hóa đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Đơn cử như việc khi EMC hoạt động là Công ty còn vốn nhà nước, vấn đề đầu ra của sản phẩm lãnh đạo Công ty ít phải lo, chỉ cần tập trung làm tốt việc tổ chức sản xuất do là đơn vị trong ngành Điện, có một số việc gần như được thực hiện theo cơ chế chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế hoặc giao nhiệm vụ do chưa có nhiều đơn vị trong nước sản xuất được các mặt hàng thiết bị điện như EMC. Điều này vô hình chung tạo cho Công ty thiếu sự năng động sáng tạo trong kinh doanh, tiếp thị sản phẩm. Ngược lại, do đặc thù là doanh nghiệp sản xuất cơ khí nên thu nhập người lao động không cao, lợi nhuận kinh doanh hàng năm Công ty thấp, nên mức độ nguồn vốn để tái đầu tư, đổi mới dây chuyền công nghệ có phần hạn hẹp, năng suất lao động vì thế cũng bị ảnh hưởng.
Nhưng hiện nay thì đã khác nhiều, trong nước đã có rất nhiều Công ty tư nhân làm được sản phẩm như EMC, cơ chế đấu thầu rộng rãi của nhà nước ngày càng khắc nghiệt hơn về tiêu chuẩn kỹ thuật và giá cả dự thầu.
Hiện nay, sau hơn 2 năm nhà nước đã không còn vốn góp trong EMC, thì “sân chơi” có vẻ thông thoáng hơn nhiều, nhiều cơ chế tài chính mở vì là CTCP tư nhân, việc huy động vốn đầu tư bên ngoài thuận lợi, Lãnh đạo Công ty – HĐQT quyết định các công việc đầu tư, đổi mới công nghệ rất nhanh, kể cả việc sắp xếp, đổi mới công tác nhân sự, điều động CNV, theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Không còn thói quen “mỗi ngày vào Công ty chỉ biết làm và được giao một việc”. Mọi người đã chủ động, năng động, biết làm nhiều việc… để đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng.
Có thể nói, sự chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh từ khi còn là Công ty nhà nước sang CTCP tư nhân là cả một hành trình không phải đơn giản, tự nhiên mà có, nếu đơn vị có xuất phát điểm không cao. Người lãnh đạo và người lao động gần như phải “startup” lại mọi thứ trong văn hóa ứng xử, văn hóa làm việc … Nếu mọi người hòa nhập tốt thì Công ty có điều kiện phát triển tốt hơn nhiều lần, bằng ngược lại, thì mọi việc gần như trở về số “0”.
PV: Ông cho biết về kế hoạch đầu tư cho KHCN ở Cơ điện Thủ Đức? Với nguồn kinh phí siêu lớn do đặc thù của ngành cơ khí, ông đã giải quyết vấn đề vốn như thế nào?
Ông Quang: Trong định hướng sắp tới của EMC, chúng tôi vẫn chú trọng công tác đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc sản xuất theo hướng hiện đại, tự động hóa các công đoạn để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm xuất xưởng phải có thông số kỹ thuật đồng nhất.
Thêm vào đó là xây dựng môi trường, điều kiện làm việc trong Công ty sạch sẽ, khang trang đạt chuẩn ISO 14001 và quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015 mà Công ty đã được cấp chứng nhận .
Về vấn đề vốn, dự kiến thời gian tới sẽ tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư bên ngoài, phát hành cổ phiếu tăng vốn để đầu tư thêm máy móc thiết bị sản xuất; hợp tác đào tạo KHKT, chuyển giao công nghệ với nước ngoài để EMC sớm thực hiện công tác sản xuất sản phẩm chất lượng đạt chuẩn quốc tế, giữ vững thị trường kinh doanh truyền thống trong nước, tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nguồn: tapchicongthuong.vn